Bộ tem Cua Dừa

Được phát hiện lần đầu tiên ở đảo Henderson và một số hòn đảo khác thuộc Thái Bình Dương, Cua dừa là một loài sinh vật khá thú vị. Là loại động vật chân đốt lớn nhất trên cạn. Sở dĩ chúng được gọi là cua dừa vì khả năng làm vỡ quả dừa bằng đôi càng cực khỏe của mình. Cua dừa còn được gọi là “cua ăn cướp” vì người ta đồn rằng cua dừa thường ăn trộm các đồ vật sáng bóng như là đồ bằng bạc trong nhà hoặc “cua mượn hồn” do dùng vỏ của loài khác. Cua dừa có rất nhiều tên gọi: ayuyu ở đảo Guam, unga/kaveu ở quần đảo Cook.

Mùa giao phối của cua dừa là từ tháng 5 đến tháng 9, đặc biệt trong 2 tháng 7, 8. Con đực và cái đánh nhau trước khi giao phối. Quá trình này mất khoảng 15 phút. Ngay sau đó, con cái đẻ trứng và gắn vào dưới bụng. Những quả trứng được thụ tinh sẽ được cất ở đó vài tháng. Trong giai đoạn ấp trứng (tháng 10 - 11), cua cái thả trứng vào nước trong lúc thủy triều lên. Ấu trùng cua dừa trôi nổi trên đại dương trong 28 ngày, và rất nhiều trong số đó bị ăn thịt. Sau đó, chúng sống ở thềm đại dương hoặc bờ biển, dùng những vỏ ốc rỗng để trú tạm tiếp 28 ngày nữa. Thỉnh thoảng chúng cũng ghé thăm đất liền. Ấu trùng đổi vỏ liên tục khi lớn dần lên, giống như các loài “mượn hồn” khác. Cuối cùng, chúng rời bỏ biển cả vĩnh viễn và mất khả năng thở trong nước. Cua con không thể tìm được vỏ sò, ốc, hến nào vừa vặn nên thường dùng vỏ dừa vỡ. Đến khi vỏ dừa cũng không phải là nơi trú ẩn nữa, chúng mới phát triển phần giáp bụng. Sau khoảng 4 năm tuổi, cua dừa có thể sinh sản tiếp. Đó là giai đoạn phát triển dài bất thường đối với loài giáp xác.


Thức ăn của Cua dừa là các loại hoa quả, đặc biệt là dừa và sung. Chúng ăn không bỏ thứ gì, cả lá, quả thối, trứng rùa, sinh vật chết, vỏ các loài động vật khác (vì giàu canxi). Những con vật chậm chạp như rùa biển cũng trở thành miếng mồi ngon của cua dừa. Cua dừa hay ăn trộm thức ăn từ loài khác và cất trong tổ. Chúng leo cây dừa để ăn quả và để tránh các loài ăn thịt khác. Người ta thường nghĩ rằng cua dừa hái dừa trên cây và thả xuống đất để ăn. Nhưng thực tế chúng khoét lỗ quả dừa và ăn tại chỗ. Kĩ thuật của cua dừa: nếu dừa còn vỏ, chúng sẽ dùng 2 càng để nạo đi, bắt đầu từ phía có ba lỗ mọc mầm đặc trưng ở cây dừa. Khi những cái lỗ đó lộ ra, cua dừa sẽ dùng càng bóp nát. Sau đó, chúng xoay lại và dùng càng nhỏ để lôi cùi dừa ra. Công đoạn cuối cùng là làm vỡ thành từng mảnh nhỏ cho dễ ăn. Quả là phương pháp độc nhất vô nhị.



Loài cua với hình dáng to lớn và sức mạnh ghê người này có một vị trí đặc biệt trong nền văn hóa của nhiều dân tộc. Người dân thường dùng con vật này để bảo vệ cây dừa. Chúng không được nuôi giống, nhưng được bán như thú nuôi. Lồng sắt phải rất chắc chắn để cua không thể trốn thoát. Ở các đảo ở Thái Bình Dương, người ta ăn thịt cua, coi đó là thuốc “bổ dương” và mùi vị rất giống tôm hùm. Phần ngon nhất của cua cái là ổ bụng và trứng. Mỗi đảo lại có một công thức chế biến khác nhau, ví dụ nấu trong sữa dừa. Dù cua dừa không độc, thức ăn nó ăn vào có thể gây ngộ độc (ví dụ các loài cây chứa độc tố toxin). Độc tố này giống như của con cá nóc Nhật Bản. Nói chung, cua dừa không phải là một loài nổi trội cho lắm nên không được buôn bán nhiều. Trẻ con chơi đùa với cua dừa bằng cách đặt những ngọn cỏ ướt trên cây dừa. Khi con cua dừa trèo xuống, chạm vào cỏ, nó nghĩ rằng đó là mặt đất nên thả người, ngã nhào xuống đất.

Chúng sống ở các hang sâu hoặc kẽ đá, tùy thuộc vào địa hình. Cua đào tổ ở trong cát hoặc đất tơi xốp. Suốt cả ngày, chúng ẩn mình đi, tránh kẻ thù và sự mất nước. Tổ cua dừa có chứa các sợi dừa rất chắc chắn, lót làm ổ. Dân địa phương thường thu nhặt về để làm đồ thủ công. Khi nghỉ ngơi trong tổ, cua dừa lấp lối vào bằng càng để tạo ra độ ẩm cần thiết trong tổ, giúp nó có thể thở được. Cua dừa sống trong khu vực từ Ấn Độ Dương cho tới trung tâm Thái Bình Dương. Đảo Christmas là nơi chúng sống đông đảo nhất. Chúng còn sống ở quần đảo Seychelles, Glorioso, Astove, Assumption, Cosmoledo. Hiện nay, mặc dù số lượng cua dừa còn khá nhiều và chưa đến mức sắp tuyệt chủng nhưng ở một số đảo đã ban hành lệnh cấm săn bắt và sưu tầm cua dừa, đặc biệt là cua dừa cái trong thời kỳ ấp trứng.

Bộ tem phát hành ngày 17/2/2009

0 nhận xét: